+84(8) 3925 6331    Dành cho Đại lý
Tiếng Việt English

Những lý do người Nhật Bản mặc Kimono

Kimono – quốc phục Nhật Bản, là một trong những biểu tượng của xứ sở hoa anh đào. Một bộ kimono bao gồm có áo choàng, đai buộc và nhiều phụ kiện đi kèm khác. Kimono rất đắt và cầu kì. Mua và mặc kimono mang tính thử thách rất nhiều. Kimono có nhiều loại, mỗi loại mang một ý nghĩa khác nhau và được diện trong những dịp khác nhau nữa. Dù bộ quốc phục này rất cầu kì, mặc vào rất khó, nhưng người Nhật Bản cảm thấy không thành vấn đề. Kimono đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của họ. Nếu có dịp tham quan Nhật Bản, bạn cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh Kimono ngoài đường phố nữa đấy. Dưới đây là một số lí do vì sao người ta lại mặc Kimono. Hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
Những lý do người Nhật Bản mặc Kimono

Shichigosan
 


Lễ hội Shichigosan là lễ hội đánh dấu cột mốc độ tuổi mà người Nhật Bản nghĩ là quan trọng đến sự phát triển của trẻ em. Shichigosan cũng là ngày mà trẻ em Nhật mặc kimono lần đầu tiên vào lúc 3, 5 hoặc 7 tuổi. Bé trai mặc áo khoác và “hakama” (dạng nửa quần nửa váy truyền thống Nhật Bản) còn bé gái mặc kimono. Gần đây, các bé trai thường mặc Âu phục. Lúc này, các gia đình sẽ sắm sửa những bộ cánh đẹp cho con cái mình để đi viếng chùa, sau đó, họ sẽ tổ chức một bữa tiệc gia đình ấm cúng.

Lễ tốt nghiệp
 


Lễ tốt nghiệp đại học/cao đẳng là một trong những dịp hiếm hoi mà phái nữ Nhật Bản diện hakama với kimono. Hakama mang đến hình ảnh rất bác học vì đây là trang phục truyền thống hằng ngày của các giáo sư và giáo viên. Phái nam cũng có thể mặc kimono với hakama vào ngày lễ tốt nghiệp nhưng hầu như họ đều chọn mặc com lê.

Cô dâu
 


Cô dâu và chú rể sẽ mặc kimono trong lễ cưới theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Ở Nhật Bản, cũng có nhiều người chọn tổ chức ngày trọng đại của mình theo kiểu Tây. Lúc đó, cô dâu sẽ mặc đầm cưới hiện đại lúc làm lễ còn áo kimono để mặc khi đón khách khứa đến tiệc đám cưới. Áo cưới kimono vừa mắc vừa công phu. Lớp áo ngoài cùng là “Uchikake”- tấm áo choàng thượng hạng với đường may tinh tế cùng và màu sắc tươi sáng. Bên dưới là lớp áo trắng. Lớp cuối cùng trong bộ kimono cho cô dâu thường là dải lụa đỏ.

Chú rể
 


Trong những buổi lễ cưới truyền thống, chú rể thường mặc bộ kimono đơn sắc màu tối, đính 5 gia huy của dòng tộc (“kurotomesode”). Bộ kimono của chú rể bao gồm có áo khoác và quần hakama. Dù trông có vẻ đơn giản, nhưng đây là loại sang nhất trong tất cả các loại kimono.

Khách dự đám cưới
 


Khách khứa đến dự những buổi tiệc cưới truyền thống có thể chọn mặc Âu phục hay kimono cũng được. Gia đình hai bên chú rể và cô dâu sẽ mặc kimono màu đen hoặc màu tối sẫm. Những cô gái trẻ, chưa có gia đình có thể mặc kimono furisode nhiều màu, còn những vị khách lớn hơn thường chọn những bộ kimono đơn sắc.

Lễ tang
 


Ở Nhật Bản, tang phục là những bộ kimono đen, sang trọng, nghiêm túc; nhưng, gần đây, người Nhật, cả nam lẫn nữ, đều có xu hướng mặc Âu phục đen. Phụ nữ sẽ chọn trang phục đen, thiết kế riêng cho những tang lễ. Người chết thường mặc đồ kimono và đây là trường hợp duy nhất áo kimono được quấn từ phải sang trái. Người Nhật nghĩ rằng mặc kimono quấn từ phải sang trái là không may mắn, tuy nhiên, thế giới cõi âm trái ngược hoàn toàn với cuộc sống trần thế nên mặc như vậy sẽ mang lại điều tốt lành cho người đã khuất.

Kyudo
 


Kyudo là cung đạo Nhật Bản và những cung thủ lúc bắn cung sẽ mặc kimono và hakama.

Ryokan
 


Khi bước vào những ryokan – nhà trọ/ lữ quán phong cách Nhật Bản, bạn sẽ thấy nhân viên phục vụ ở đây mặc kimono. Những nơi này cũng cung cấp những bộ áo choàng tương tự yukata cho khách.

Nhà hàng
 


Đối với những nhà hàng sang trọng, phục vụ những món cao lương mỹ vị truyền thống Nhật Bản như kaiseki, thực khách và nhân viên nhà hàng sẽ mặc kimono.

Tiệc trà
 


Tiệc trà là một trong những hoạt động văn hóa cổ xưa ở xứ sở hoa anh đào. Mỗi bước trong quá trình chuẩn bị, pha chế và thưởng thức trà đều phải tuân theo các tiêu chí: hài hòa, tôn trọng, trong sạch và bình thản. Những người tham gia tiệc trà đều phải mặc kimono. 

Ikebana
 


Kimono là trang phục thường thấy trong những buổi đào tạo hay các lễ hội nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như Ikebana – nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.

Hanami
 


Lễ hội ngắm hoa đào Hanami là một dịp lí tưởng để mặc kimono của người Nhật Bản. Thông thường, người ta sẽ mặc yukata.

Đi xem văn nghệ
 


Ở phương Đông, những buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống được được xem là một sự kiện nghiêm túc. Xét về mức độ sang trọng, một bộ kimono thông thường sẽ ngang ngửa một bộ áo sơ mi – quần tây đóng thùng, còn một bộ kimono đen có đính huy hiệu gia tộc sẽ là một bộ vest hoàn chỉnh.

Võ sĩ Sumo
 


Các võ sĩ Sumo phải mặc đồ truyền thống Nhật Bản mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Trang phục kimono họ mặc có dạng kiểu giống yakata. Trong những sự kiện đặc biệt, họ sẽ mặc kimono sang hơn.

Geisha
 


Geisha và Maiko thường mặc kimono có nhiều lớp hơn như lớp màu sáng bên trong (“hiyoku”). Bộ cánh kimono bên ngoài (“susohiki”) thường rất dài, có khi rũ ra mặt đất. Cách mặc và xếp lớp áo Kimono đều có một ý nghĩa biểu tượng riêng cả và các Geisha và Maiko luôn luôn thông thạo những nét tinh tế đó.

Matsuri
 


Những lễ hội Nhật Bản “matsuri” thường bao gồm các tiết mục biểu diễn hoành tráng hay cuộc diễu hành thú vị của những người mặc yukata hay các trang phục kimono khác. Bạn thường thấy khi tham gia lễ hội, người Nhật hay chọn mặc kimono, tuy nhiên, yukata vẫn được lựa chọn trong các lễ hội ở xứ sở hoa anh đào.
 

Nguồn: Japanlist

Để biết thêm thông tin về Du lịch Nhật Bản xin vui lòng liên hệ: 
T&T Travel 
Địa chỉ: số 9A Nam Quốc Cang Q1 TP.HCM
Tel: +84(8) 3925 6331
Hotline: +84 944 096 699
Website: http://www.tnt-vietnam.com/


 

 Từ khóa: Kimono

Tìm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây