+84(8) 3925 6331    Dành cho Đại lý
Tiếng Việt English

Phong tục đón năm mới của người Nhật

Người Nhật đón năm mới vào ngày 1 tháng 1 dương lịch. Tết ở Nhật Bản thể hiện rõ nét những tinh hoa văn hóa của xứ sở hoa anh đào này và cho đến hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán từ thời xa xưa. Từ nét tinh túy trong ẩm thực cho đến các hoạt động ngày Tết, tất cả đều mang một ý nghĩa sâu xa và đặc trưng.
Phong tục đón năm mới của người Nhật

Trước ngày 31/12 và Omisoka
Omisoka là từ người Nhật dùng để chỉ ngày 31/12. Tháng 12 lúc nào cũng tất bật cho việc chuẩn bị đón chào năm mới. Mọi người mua sắm, sửa soạn đồ đón Tết, các thành viên trong gia đình thì lo việc tổng vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị Osechi và trang hoàng ngôi nhà...

Osouji - Đợt tổng vệ sinh
Để chào đón các vị thần năm mới đến nhà, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ. Ngày xưa, người Nhật thường bắt đầu đợt tổng vệ sinh vào ngày 13/12, còn được gọi là ngày "Susuharai", nhưng hiện nay nhiều gia đình đợi đến ngày 31 mới lên kế hoạch dọn dẹp. Những ngôi chùa và thần điện vẫn tổ chức các buổi lễ Susuharai linh thiêng vào ngày 13.

Trang trí ngày Tết
Treo Shimekazari
 


Được trang trí ở cửa vào và bàn thờ khi năm mới tới và có ý nghĩa đuổi tà ma quỷ dữ. Những sợi dây thừng đạo Shinto được treo biểu thị địa điểm thanh khiết để nghênh đón các vị thần. Những chiếc Shimekazari được đính kèm những vật may mắn như cam đắng, dương xỉ, tôm hùm . Mỗi vật trang trí đó đều có ý nghĩa riêng ví dụ như cam đắng biểu thị sự phồn vinh của thế hệ con cháu. Khi năm mới kết thúc thì những vật trang trí này sẽ được đem đến đền thờ Thần đạo để hóa.

Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa
 


Gồm cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo, được xem là dấu hiệu của thần linh. người Nhật trang trí Kadomatsu ngay trước nhà và sử dụng các loại cây mang ý nghĩa phúc lành như thông, tre...

Kagamimochi
 


Mâm bánh dày - Mochi, cùng một quả quýt Nhật - Mikan bên trên. Vào dịp tết chúng được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà với niềm tin đây là nơi các vị thần sẽ đến thăm nhà và bánh Kagamimochi sẽ được dâng lên các vị thần ấy.

Nengajo - Thiệp chúc Tết
 


Ở Nhật Bản từ lâu đã có thông lệ gửi thiệp chúc Tết vào dịp cuối năm. Và sang năm mới, mỗi gia đình đều nhận được thiệp chúc tết, họ vừa thưởng thức món ăn ngày Tết, vừa chuyền tay nhau đọc thiệp chúc mừng tết. Đọc lời chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp là một trong những thú vui ngày Tết đối với hầu hết người Nhật.
Thiệp mừng Nengajo có rất nhiều loại. Nhiều người thích tự làm tay, viết những lời chúc bằng bút lông và vẽ những hình lấy chủ đề từ con giáp của năm đó. Hiện nay xu hướng gửi thiệp qua email hay mạng xã hội tăng lên làm số lượng bưu thiếp giảm đáng kể. Tuy nhiên, một tấm thiệp viết tay bao giờ cũng đem đến cảm giác ấm áp và khiến người nhận hân hoan hơn. Những gia đình có tang sẽ không nhận và không gửi những tấm thiệp Nengajo nào trong vòng một năm, gọi là "Mochu".


Toshikoshi soba và Joya no Kane
 


Ăn mì trường thọ Toshikoshi soba là một đặc trưng vào đêm Omisoka, một số gia đình sẽ dùng món mì này cho bữa tối, nhưng cũng có nhà dùng sau bữa tối với sushi, cua hay lẩu sukiyaki mới thưởng thức Toshikoshi soba trong tiếng chuông giao thừa - Joya no Kane.
 


Các ngôi đền ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông từ lúc vừa qua 23 giờ của ngày 31 kéo dài đến 0 giờ ngày hôm sau

Ngày 1/1 được gọi là "Gantan" và là ngày bắt đầu năm mới ở Nhật. Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là "San ga Nichi" và là ngày nghỉ Tết của nhiều công ty, cửa hàng. Tùy vào từng địa phương mà thời gian Tết kéo dài khác nhau được gọi là "Matsu no Uchi", như Tết ở những vùng gần Tokyo kéo dài đến ngày 7/1, còn những vùng gần Osaka kéo dài đến ngày 15/1. Vật trang trí ngày Tết sẽ được tháo xuống vào ngày cuối cùng của Matsu no Uchi.


"Akemashite omedetou gozaimusu"
Đây là câu chúc mừng năm mới trong tiếng Nhật. Vào sáng ngày Gantan, người Nhật sẽ thưởng thức Osechi và Ozouni, sau đó về xum họp gia đình và họp mặt bạn bè, người thân. Kimono thường được mặc trong những dịp này nhưng đa số mặc trang phục thường ngày.

Hatsumoude
 


Đây là chuyến viếng thăm Thần điện đầu tiên trong một năm để cầu mong sự bình an và hạnh phúc cho năm đó. Có nhiều người khởi hành từ tối 31 để viếng Thần điện vào thời khắc giao thừa, nhưng cũng có người đến viếng đền vào ngày 1. Vào dịp này, các đền thần thường đông đúc, nhất là đền thần Asakusa hay Kyoto, dòng người nối đuôi nhau vào viếng đền, tiền dâng hương thường là đồng 5 yên, phát âm là "Go en", đồng âm với chữ "Duyên" và "May mắn".

Otoshidama
Phong tục lì xì đầu năm mà hầu hết các trẻ nhỏ đều rất háo hức. Tiền lì xì được đựng trong chiếc phong bì Pochibukuro dễ thương và có nhiều hoa văn, nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh chắc chắn sẽ làm cho đám trẻ con thích thú.
 

 

Nguồn: Tổng hợp


​Để biết thêm thông tin về Du lịch Nhật Bản xin vui lòng liên hệ: 
T&T Travel 
Địa chỉ: số 9A Nam Quốc Cang Q1 TP.HCM
Tel: +84(8) 3925 6331
Hotline: +84 944 096 699
Website: http://www.tnt-vietnam.com/

 

 






 

 Từ khóa: Tet Nhat Ban

Tìm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây